Hương hoa vườn giáo pháp - Pháp uyển châu lâm
PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
TỰA
Triều nghị Đại phu, Lan đài Thị lang: Lý nghiễm, tự Trọng Tư, người Lũng Tây biên soạn.
Từ khi Lục hào chế tác, Bát quái thành hình, mới có văn tự, chiếu diệu Thi thư. Phụng chạm rồng tô, thẻ vàng chữ ngọc, Bách gia chi phái, vạn quyển phân ngành. Dù lý đạt tinh vi, lời mòn vật loại, nhưng gom tình góp tính, chưa siêu việt khỏi nhân gian, suy trước xét sau, há bao trùm ngoài vũ trụ? Cũng có Đạo đức kinh của Lão Đam, Nam hoa kinh của Trang Tử, quý báu mà viễn vông, gấm hoa mà quái đản, đều chạm trên tuyết không ra dáng dấp, vẽ giữa không chẳng được thật hình. So với bảo kệ nhiệm mầu, bối kinh vi diệu, Nhị thừa bác học, Bát tạng uyên thâm, cạnh tranh cạn sâu, đối chọi hơn kém, khác gì tổ kiến nhỏ nhoi muốn lớn hơn núi Tung núi Thái, vũng trâu cạn cợt mong dài hơn sông Hán sông Giang? Than ôi! Nghĩa lý rốt ráo của Hiển tông, phép tắc huyền vi của Mật giáo, pháp môn giải thoát, thần chú Tổng trì, bến trước bờ sau, đều khớp lý Chân như, niệm cuối niệm đầu, cùng về nơi Chính giác. Chỉ bảo đám u mê trong trong biển dục, khiến tình phàm tâm tục đều tiêu, chăn dắt kẻ khốn khó giữa nhà lành, ngọc búi tóc, chéo y đem cho hết. Giáo hóa đã đầy dẫy trần sa bát ngát, công ơn còn bao phủ kiếp bụi mỏng manh. Vĩ đại thay! Chu đáo quá! Lấy lời nào ca tụng cho vừa!
Kịp đến nhà Châu, sao lạ hai lần ứng hiện, sang qua triều Hán, mặt nhật sáng tỏa điềm lành. Sái Âm qua Tây quốc, Pháp Lan đến Đông độ. Lời vàng trên pháp hội, diệu chỉ ở bảo đài, tích lũy chan chứa lụa tre, loa truyền phổ biến Hoa Hạ. Song kinh điển bao la, tông phái sâu rộng, thật tướng chân nguyên khó lòng xem khắp. Từ ngày nhà Đường ta dựng nghiệp, trải đến khi Thánh thượng lên ngôi, Phật pháp lại được xiển dương, tăng đồ càng thêm đông đảo. Truyền bá đèn pháp, ban bố sữa mầu, rực rỡ sáng tươi đất nước. Lời kinh tiếng kệ ngân nga vang dội khắp chốn quận triều. Sự nghiệp hoằng hóa xem rất hưng thịnh, phương tiện giáo hóa lại càng vô tận.
Nay có Pháp sư Đạo Thế, tự Huyền Uẩn, ở chùa Tây Minh, xứng đáng là bậc lãnh tụ nơi cửa Phật. Nhóm thiện duyên từ thời tấm bé, quyết dứt màu áo gấm giữa tuổi thanh xuân, nuôi từ tâm cứu độ sinh linh, tạo phúc đức lên đàn thọ cụ túc giới. Đạo hạnh sáng ngời, giữ gìn nghiêm minh như ngan nuốt ngọc mà giữ giới, giới luật tinh thông, hoan hỷ tựa hành giả sửa mình trước kính. Hâm mộ Đại thừa, thấu triệt thật tướng. Bác học đa tài rất nổi tiếng, được triệu làm Tọa chủ Tây Minh. Thường khi tu tập thanh nhàn, để mắt xem suốt thông Tam Tạng. Suy nghĩ rằng xưa nay nhiều đời, lắm người chế tác. Tuy ý đẹp lời hay, việc trước thuật vẫn chưa viên mãn. Do đó, mới thâu tóm tinh hoa trong vườn pháp, chọn lọc tuyệt phẩm của Đại thừa, phân chia từng mục, biên soạn thành sách, nhan đề là Pháp Uyển Châu Lâm, gồm có một trăm thiên, đóng thành mười tập.
---------------------------
GIỚI THIỆU PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
GIỚI THIỆU
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc. Sư họ Hàn, người Trường An, Kinh Triệu (1). Năm mười hai tuổi, Sư xuất gia tại chùa Thanh Long. Sau thời gian tu tập, sư nổi tiếng tinh thông Luật học. Trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh (556-561), sư tham gia dịch trường của ngài Huyền Trang. Sau đó, sư vâng chiếu chỉ đến trụ tại chùa Tây Minh cùng với ngài Đạo Tuyên xiển dương Luật học. Năm Hiển Khánh thứ tư (659), sư soạn xong bộ Chu kinh yếu tập hai mươi quyển. Sư lại tiếp tục dành khoảng thời gian mười năm (659-668) mở rộng bộ này thành bộ Pháp uyển châu lâm, mời Lan đài thị lang Lí Nghiễm viết lời tựa. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, sách này có hai điểm đặc sắc:
1. Ghi chép đầy đủ về người và vật: Hoàn toàn chú trọng vào các kinh sách y cứ, không ức thuyết, suy đoán, hư cấu. Vì thế Pháp uyển đã dẫn dụng rất nhiều kinh sách. Ngoài ba tạng của nhà Phật, còn có sấm thư (2), vĩ thư (3) của Nho gia, Đạo sĩ pháp luân kinh, Lão Tử thăng huyền kinh… là kinh điển của Đạo giáo. Sư lại trích dẫn cả Tạp sử, Bại sử (4), như Ngụy lược, Tể xuân thu, Liệt dị truyện, Tinh dị truyện… Nếu việc gì không có điển cứ thì y theo lời của người thời bấy giờ kể, như Vương Đồng Nhân, Vương Huyền Sách, Uyển sư, Pháp Vân, tì nữ của Thôi Nghĩa Khởi ( vì thấy không cần thiết nên người dịch lược bỏ những đoạn này).
2. Bảo tồn được những văn hiến và sử liệu quí báu: về Phật điển, Pháp uyển trích dẫn văn của năm mươi hai loại kinh sách đã thất lạc mà từ lúc soạn Khai Nguyên Thích giáo lục đến nay chưa tìm thấy, như kinh Thiện quyền, Quán Phật tam-muội, Tịnh độ tam-muội… cùng rất nhiều bản kinh thuộc loại Nghi ngụy (5) bị thất lạc. Về ngoại thư thì dẫn những đoạn văn trong Minh tường kỉ, Trung Thiên Trúc hành kỉ của Vương Huyền Sách… nay đã thất truyền. Pháp uyển châu lâm, “Pháp uyển” tức sự hội tụ Phật pháp* “châu” là báu vật, dụ cho giáo pháp Phật-đà quí giá và dung thông vô ngại; “lâm” nghĩa là nhóm họp. Như vậy Pháp uyển châu lâm là một bộ sách trọng yếu, gom tập tất cả những giáo nghĩa tinh hoa của Phật pháp. Bộ sách này có đầy đủ tính chất của một bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo. Toàn sách gồm một trăm chương, từ chương Kiếp lượng đến chương Truyện kí. Tùy theo nội dung, đặc tính của mỗi chương mà phân chia thành sáu trăm sáu mươi tám bộ. Trong mỗi chương hoặc bộ, ngoài việc dẫn dụng ba tạng, truyện kí, còn có riêng phần Cảm ứng. Phần này trích dẫn người, vật, sự việc trong một trăm tám mươi bảy bộ sách nội ngoại giáo để minh chứng. Trong đó bao gồm các sách về sử kí, bút kí, Chư tử (6), chường cố (7), tiểu thuyết… Đặc biệt, những dẫn chứng đều chú trọng đến xuất xứ, nếu là sự việc đương thời thì mỗi mỗi đều ghi là do người nào ở đâu kể lại. (Về phần này, khi gặp những chương dài, mà trong đó có nhiều nội dung khác nhau, Ban dịch thuật mạo muội chia thành một hoặc hai bộ loại, hoặc chia ra thành nhiều mục nhỏ. Do đó so với nguyên bản có thể hơn sáu trăm sáu mươi tám bộ loại). Vì sách trích dẫn rất nhiều nội ngoại điển, lại được sắp xếp có hệ thống, tùy theo nội dung mà phân ra chương mục riêng biệt, nên rất dễ dàng tra cứu và xem đọc, không thể thiếu đối với hành giả nghiên cứu tu tập. Hơn nữa, những đoạn kinh văn dẫn dụng không phải sao chép nguyên bản mà trích chọn những yếu nghĩa liên quan đến đề tài muốn nói. Đây thật một bộ sách cực kì quí báu trong kho tàng văn hiến Phật giáo.
Tiện đây, Ban dịch thuật xin lược nêu đại ý mỗi chương.
1. Chương Kiếp lượng: Nội dung nói về bốn giai đoạn: Thành, trụ, hoại, không của quá trình thế giới từ hình thành đến hoại diệt. Trong đó đặc biệt nêu ra hai tai kiếp là đại và tiểu tam tai. Đây chính là thuyết về chu kì lịch sử thế giới của Phật giáo.
36: Chương Già-lam: Nội dung nói về nguồn gốc của già-lam, nghi thức và qui củ vào chùa lễ lạy.
Như vậy nội dung một trăm chương của Pháp uyển châu lâm đã bao quát tất cả giáo nghĩa cơ bản Phật giáo. Về hình thức, sách cũng đã phân chia, sắp xếp theo thứ tự từng bộ loại riêng biệt để giới thiệu đến người đọc về giáo lí và tri thức Phật giáo như: quan niệm về không gian và thời gian, quan niệm về vũ trụ và hữu tình, phương thức truyền giáo, nhân quả nghiệp lực, thiện ác báo ứng, việc tu tập và đức hạnh phải có của hai chúng tăng tục, phân loại Thánh phàm, giới luật và thiền quán, thần thông và chú ngữ, danh tướng pháp số, chùa tháp và pháp khí, âm nhạc và hình tượng, nghi lễ và phép tắc oai nghi, vệ sinh giữ gìn sức khóe… Nhưng quan trọng hơn, sách này đã luận bàn rộng đến những hiện tượng xã hội và quan niệm đúng sai về luân lí thế gian. Vì thế có thể nói đây là một bộ sách lớn gom tập tất cả tư tưởng xuất thế và nhập thế.
[1]Kinh Triệu: Tức Kinh Triệu Doãn, một địa khu hành chính của kinh đô thời Hán, nay là vùng từ Tây An trở về đông đến huyện Hoa, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
[2]Sấm thư: Những bộ sách ghi các lời dự đoán.
[3]Vĩ thư: Những loại sách mượn lời trong kinh điển Nho gia để nói về phù chú, bói toán.
[4]Bại sử: Loại sách ghi chép những truyền thuyết, những lời đồn đoán, những việc vụn vặt trong nhân gian, trái với chính sử.
[6]Chư tử:Tất cả những học giả của các học phái xuất hiện từ thời Tiền Trần đến đầu đời Hán, hoặc chỉ cho những trước tác của họ.
[7]Chưởng cố: Những thể chế, luật lệ xưa, hoặc chỉ cho chuyện xưa, hoặc sự thật lịch sử.
HƯƠNG HOA VƯỜN GIÁO PHÁP
(PHÁP UYỂN CHÂU LÂM)
Đời Đường, Triều nghị đại phu Lan đài thị lang Lý Nghiễm tự Trọng Tư người Lũng Tây, Trung Quốc soạn.
Sáu hào (1) vừa khởi, tám quẻ (2) liền thành; văn tự lập xong, phép tắc sáng tỏ; cho đến kinh điển Đạo gia, ngôn từ của vua chúa; sách vàng chữ ngọc (3), trăm nhà (4) trăm lối, vạn quyển vạn dòng; tuy nghĩa lí thật sâu xa, ngôn từ đúng phép tắc, nhưng bàn tâm luận tính chưa vượt thế gian, từ đầu đến cuối chưa đến chỗ xuất tục! Dù cũng có thuyết của Lão Tử, lời của Trang Chu, song ý kinh đều hoang đường, lời sách cũng quái đản, giống như chạm khắc trên băng tuyết không thành hình, khác gì viết vẽ vào hư không chẳng ra nét. Tất cả nếu tranh cạn sâu, so hơn kém với ý diệu của Phật kinh, lời mầu trong Phật điển bao gồm hai thừa rộng lớn, tám tạng (5) sâu xa, thì cũng như đống kiến đùn thấp bé so với hai ngọn Tung, Hoa cao vút; hoặc tựa vũng chân trâu cạn hẹp sánh với đôi dòng Giang Hán (6) rộng dài. Kinh Phật, dù nghĩa rõ ràng, hay phép tắc sâu kín, hoặc là cửa giải thoát, hay là vườn tổng trì (7), quá khứ vị lai đều phù hợp chân như, tâm đầu tâm cuối đều trở về chính giác. Thế Tôn xuất thế đưa chúng sinh mê muội vượt biển tham dục, tình trần và tâm cấu cùng tiêu; dắt đứa con nghèo (8) vào ngôi từ thất (9) khiến hạt châu trong vạt áo và viên ngọc trên búi tóc cùng hiện. Đức Phật giáo hóa khắp hằng sa cõi, công đức trùm vi trần kiếp. Vĩ đại thay! Cao cả thay! Không lời nào ca tụng nổi! Từ triều Chu hiện điềm sao rụng như mưa (10), đến Hán đế mộng thấy người vàng (11), rồi Thái Âm sang Tây Vực, Trúc Pháp Lan vào Trung Hoa, thì lời từ kim khẩu, ý chỉ nơi đài báu (12) chép đầy trên giấy, truyền bá khắp nơi. Nhưng kinh quyển quá nhiều, chủng loại lại sâu rộng, nên thật khó thấu được thật tướng (13) chân nguyên. Đến đời Đại Đường ta định quốc, Thánh thượng trị vì thì Phật giáo hưng thịnh, tăng đồ đông đúc, việc truyền dạy, biên soạn phát triển khắp muôn nơi, lời kinh tiếng kệ râm ran chốn kinh kì; giáo pháp Phật được hoàng truyền mạnh mẽ, khó kể hết được. Bấy giờ, có pháp sư đại đức Đạo Thế tự Huyền Huy ở chùa Tây Minh là vị lãnh tụ Phật giáo, từ nhỏ đã mến đạo, lìa tục xuất gia, lòng từ nhuần khắp. Sau khi sư thụ giới cụ túc, giới phẩm tròn sáng, giữ nghiêm như chuyện ngỗng nuốt châu (14), thông hiểu luật nghi, lòng vui như người nhìn vào gương sáng; lại kính mộ Đại thừa, thông tỏ thật tướng. Vì biết sư học rộng tài cao, thái tử thỉnh sư trụ chùa Tây Minh. Tại đây, sư đọc hết năm bộ (15), xem trọn ba tạng giáo. Sư cho rằng kinh luật xưa nay trải qua nhiều đời được nhiều người biên soạn, tuy ý hay lời đẹp, song chưa có bộ nào ghi chép đầy đủ. Do đó, sư mới chọn lấy hoa quí trong vườn kinh văn, hút lấy hương chiêm-bặc (16) nơi nghĩa Đại thừa, ghi chép theo từng bộ loại, rồi biên tập thành sách, đặt tên là Pháp uyển châu lâm, gồm 100 thiên, đóng thành 10 tập. Sách này nghĩa rộng sâu, văn ngắn gọn, có thể bổ sung chỗ thiếu sót trong Bác yếu (17) của họ Ngu; lời giáo đã tuyên dương, ý đạo cũng sáng tỏ, có thể soi rõ Hoằng minh (18) của Tăng Hựu; lời văn diễm lệ, lí đạo rõ ràng, nêu hết chi thú tột cùng, gồm trọn pháp môn vi diệu. Nhưng văn dài dòng thì người ngán đọc, nghĩa sơ lược thì ít ai nghe. Thật tôi chẳng muốn đặt thêm lời hoa mĩ để chép ghi đầy trong pho quyển, bất đắc dĩ mới phải như vậy. Lời văn tuy nhiều, nhưng nếu xem đọc lâu ngày thì sẽ thấu chỗ trọng yếu. Sách này biên soạn xong vào tháng ba, năm Tổng Chương thứ nhất (668) triều Đại Đường, nhằm ngày ba mươi, luật Cô Tẩy, năm Mậu Thìn. Mong người nghiên tầm lời sâu xa lật sách này sẽ tìm được ngọc như ý, người tu theo chính pháp xem văn này sẽ nếm được vị cam lộ. Nếu giảng thuật sách này mà biết nghĩa vi diệu, xem đọc sách này mà thấy lí sâu mầu, thì hẳn người ấy sẽ rực sáng cùng mặt trời, tồn tại mãi với hư không.
Tiểu tam tai – Lời dẫn – Tiểu tai dịch bệnh – Tiểu tai đao binh – Tiểu tai đói kém – Nguyên nhân dẫn khởi – Đối trị – Đại tam tai – Thời lượng – Thời tiết – Kiếp hoại – Kiếp thành.
QUYỂN 2
Bốn châu – Lời dẫn – Giải thích tên gọi – Lượng của đại địa – Lượng của núi – Các khoảng cách – Cõi nước-con người-sàn vật – Chiều cao-tuổi thọ-y phục – Hơn kém – Chư thiên – Luận về giai vị – Giải thích tên gọi – Nghiệp nhân – Thụ sinh – Tứ thiên vương thụ sinh – Chư thiên cõi Đao-lợi thụ sinh – Khoảng cách các tầng trời.
QUYỂN 3
Thân lượng – Thân lượng chư thiên cõi Dục – Thân lượng chư thiên cõi Sắc – Y phục – Thọ lượng – Thọ lượng chư thiên cõi Dục – Thọ mạng chư thiên cõi Sắc – Thọ mạng chư thiên cõi Vô sắc – Giải nghi – Trụ xứ – Trụ xứ rộng hẹp – Trang hoàng trụ xứ – Tâu trình – Sức thần thông – Ánh sáng của thân – Mua bán-đổi chác – Hôn phối và sinh con – Thức ăn – thức uống – Tùy tùng và vật cưỡi – Quyến thuộc – Sang hèn-giàu nghèo – Tống táng.
QUYỂN 4
Lời đẫn – Tinh tú – Nhật cung – Nguyệt cung – Lạnh nóng – Chiếu dụng – Khuyết và tròn – Mây bay – Sấm sét – Chớp – Tuôn mưa – Không đúng thời – Động đất.
QUYỀN 5
Cõi trời – Lời dẫn – Giải thích danh từ Sáu thú – Thụ khổ – Những nỗi khổ ở cõi Sắc và Vô sắc – Nỗi khổ chư thiên cõi Dục – Hết phúc trời – Tiểu ngũ suy – Đại ngũ suy – Cảm ứng – Đời Tấn. cư sĩ Sử Thế Quang – Đời Tấn, Thích Tuệ Ngôi – Đời Ngụy, Thích Đàm Loan – Đời Tào Ngụy, cư sĩ Chuyên Huyền Siêu – Đời Lương, sa-môn Thích Tuệ Thiệu – Cõi người – Lời dẫn – Giải thích danh từ Nhân (loài người) – Trụ xứ – Nghiệp nhân – Sang hèn-Giàu nghèo – Thụ khổ – Cảm ứng – A-tu-la – Lời dẫn – Giải thích từ A-tu-la – Trụ xứ – Nghiệp nhân – Quyến thuộc – Y phục và thức ăn – Chiến đấu – Cảm ứng.
QUYỂN 6
Quỉ thần – Lời dẫn – Giải thích danh từ quỷ – Trụ xứ của quỷ – Số lượng – Nghiệp nhân – Thân lượng-thọ mạng – Đẹp xấu-khổ vui-sang hèn – Nhà cửa – Cảm ứng – Đời Tống, Tư Mã Văn Tuyên – Đời Tống, Vương Hồ – Đời Tống, Lí Đán – Đời Tống, Thượng thư tả bộc xạ Trịnh Tiên Chi – Đời Đường, Tuy Nhân Thiến – Yêu mị vùng Lâm Xuyên – Các quỉ thần trong nhân gian – Nam Dương, Tống Định Bá – Súc sinh – Lời dẫn – Giải thích danh từ Súc sinh – Trụ xứ của súc sinh – Thân lượng – Thọ mạng và nghiệp nhân – Thụ báo – Tu phúc – Khổ vui và ưa ghét – Cảm ứng – Quỉ hiện dọa người – Gia quốc ở đất Thục – Trị ô ở đất Việt – Quái của cây, đá – Đời Tấn, loài Tê khuyển – Tồ tiên của Man Di – Truyện trong Tây quốc kí của ngài Huyền Trang.
QUYỂN 7
Địa ngục – Lời dẫn – Giải thích danh từ Địa ngục – Thụ quả báo – Thời gian chịu tội – Vua quản ngục – Cung điện của vua Diêm-la – Nghiệp nhân – Khuyên răn – Cảm ứng – Đời Tấn, cư sĩ Triệu Thái – Đời Tấn, sa-môn Chi Pháp Hành – Nước Triệu, cư sĩ Thạch Trường Hòa – Uất khí – Suối nước nóng ở nước Thổ-Phồn – Đời Đường, Liễu Trí Cảm
QUYỂN 8
Thất Phật – Lời dẫn – Thời gian Phật xuất thế – Họ và tên – Giai cấp – Cội cây đắc đạo – Ánh sáng thân Phật – Các hội thuyết pháp – Đệ tử – Lâu mau – Nhân duyên – Lời dẫn – Dẫn chứng – Nghiệp nhân – Dòng họ
Lời dẫn – Họ vua – Dòng tộc – Cầu hôn – Giáng thai – Lời dẫn – Hiện tướng suy – Quán xét căn cơ – Hiện điềm lành – Giáng thai – Giáo hóa
QUYỂN 9
Xuất thai – Lời dẫn – Đón hoàng hậu – Hiện điềm – Gá thai – Chiêu cảm phúc báo – Hàng phục tà ma – Đồng ứng hiện sinh – So sánh và suy lường – Nuôi dưỡng – Lời dẫn – Nuôi dưỡng – Điềm lành – Xem tướng – Lời dẫn – Ban lịnh xem tướng – Thể hiện lòng cung kính – Hiện tướng – Nghiệp nhân – Giống và khác – So sánh – Trăm phúc – Du học – Lời dẫn – Mời thầy dạy học – Đấu sức – So sánh
QUYỂN 10
Nạp phi – Lời dẫn – Quán đỉnh – Cầu hôn – Nghi ngờ và phỉ báng – Nạn ở trong thai sáu năm – Thần dị – Nhàm chán khổ – Lời dẫn – Thăm đồng ruộng – Ra thành du ngoạn – Chán khổ – Xuất gia – Lời dẫn – Lìa dục vọng – Cạo tóc – Y phục – Bảo Xa-nặc trở về – Vua Tịnh Phạn ngăn thái từ xuất gia – Tóc Phật – Thời gian xuất gia – Hội thông
Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.
Bộ "Pháp uyển châu lâm"
Theo các nhà nghiên cứu Phật học, bộ sách này có hai điểm đặc sắc:
Theo Lời tựa trong Pháp uyển châu lâm, “Pháp uyển” tức sự hội tụ Phật pháp; “châu” là báu vật, dụ cho giáo pháp Phật-đà quí giá và dung thông vô ngại; “lâm” nghĩa là nhóm họp. Như vậy Pháp uyển châu lâm là một bộ sách trọng yếu, gom tập tất cả những giáo nghĩa tinh hoa của Phật pháp. Bộ sách này có đầy đủ tính chất của một bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo. Trong đó bao gồm các sách về sử kí, bút kí, chư tử, chưởng cố, tiểu thuyết…
Vì sách trích dẫn rất nhiều nội ngoại điển, lại được sắp xếp có hệ thống, tùy theo nội dung mà phân ra chương mục riêng biệt, nên rất dễ dàng tra cứu và xem đọc, không thể thiếu đối với hành giả nghiên cứu tu tập. Hơn nữa, những đoạn kinh văn dẫn dụng không phải sao chép nguyên bản mà trích chọn những yếu nghĩa liên quan đến đề tài muốn nói. Đây thật một bộ sách cực kì quí báu trong kho tàng văn hiến Phật giáo.